Trò chơi dân gian Việt Nam rất đa dạng và phong phú, thông qua các trò chơi vừa giúp các em rèn luyện trí nhớ, sự linh hoạt và nhạy bén đồng thời giúp xây dựng tinh thần đồng đội và gắn kết giữa các em. Ngày xưa, trẻ em Việt Nam nào cũng biết chơi một hoặc vài trò chơi dân gian trong số kho tàng các trò chơi dân gian Việt Nam. Bởi trò chơi của trẻ em Việt Nam thường bắt nguồn từ những bài đồng dao, bài thơ, … có nhịp điệu đơn giản, dễ nhớ, dễ thuộc. Mỗi trò chơi đều mang một sắc thái khác nhau khiến trẻ em chơi suốt ngày mà vẫn không thấy chán. Hơn nữa các trò chơi dân gian Việt Nam thường không cầu kì, tốn kém và có thể dễ dàng chơi ở mọi lúc, mọi nơi, dụng cụ dễ kiếm, dễ làm, có khi chỉ là hòn sỏi, hòn đá, cái khăn, … Ngày nay, trước xu thế của thời đại công nghệ thông tin, sự bận rộn của các bậc phụ huynh, ngoài giờ học ở trường, về nhà hầu hết các em chỉ chơi trong bốn bức tường. Nhiều em thường xuyên làm bạn với chiếc ti vi làm ảnh hưởng đến đôi mắt và cột sống, say mê với chiếc máy tính, điện thoại thông minh, ipad và những trò chơi vô cùng hấp dẫn trong đó mà quên cả học, quên ăn uống. Có em bị béo phì vì ăn nhiều chất, thiếu vận động... Chính vì thế mà nhiều em không còn biết đến trò chơi dân gian là gì và các em cũng mất dần cả sự hồn nhiên thơ ngây của tuổi nhỏ, một số các em còn sinh ra tính ích kỉ, lười biếng. Những năm gần đây ngành giáo dục Thanh Oai nói chung và giáo dục Cự Khê nói riêng đã tích cực hưởng ứng và tổ chức các phong trào thi đua, trong đó có nội dung “Tổ chức các trò chơi dân gian cho học sinh trong nhà trường” để khắc phục tình trạng trên và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”.